TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Hôi miệng khi mang thai: nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 3,243
Nguyên nhân gây nên hôi miệng có liên quan tới việc mang thai hay không? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày những nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục chứng hôi miệng trong khi mang thai.

Hôi miệng, được định nghĩa là mùi khó chịu thoát ra từ miệng hoặc các khoang chứa khí khác như mũi, các xoang và hầu họng. Trong 90% các trường hợp, mùi này chỉ thoát ra từ khoang miệng. Hôi miệng là một tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ có thai.

Mùi hôi từ miệng xuất phát từ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, trong đó chủ yếu là hydrogen sulfide và methyl mercaptan. Nhiều vi khuẩn trong miệng sản xuất ra những chất này dẫn tới mùi hôi.

Nguyên nhân hôi miệng ở phụ nữ mang thai

Sau đây là những lý do phổ biến có thể dẫn tới sự tiến triển của những hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và cuối cùng gây ra hôi miệng trong thai kỳ:

Thay đổi nội tiết tố

Các hormone tăng lên trong cơ thể có thể làm miệng trở thành nơi sản sinh lí tưởng cho các mảng bám. Sự gia tăng nồng độ estrogen và progesterone có thể làm trầm trọng thêm đáp ứng của nướu răng với các mảng bám và gây ra viêm nướu. Nướu bị sưng tạo ra các túi – nơi thức ăn đọng lại và tạo ra mùi hôi. Vệ sinh răng miệng tốt có thể làm giảm các mảng bám, từ đó giảm viêm nướu trong thai kỳ.

Ốm nghén

66% phụ nữ mang thai buồn nôn và nôn do ốm nghén trong thai kỳ. Nôn mửa thường xuyên dẫn tới việc tạo ra môi trường axit trong miệng và tiếp đó là quá trình hủy khoáng của răng. Điều đó làm thức ăn dễ bám vào răng hơn, dẫn đến sâu răng và tạo ra mùi hôi.

Ốm nghén trong thai kỳ có thể khiến thức ăn dễ bám vào răng và gây sâu răng, hôi miệng hơn

Thiếu hụt Canxi

Em bé trong bụng mẹ hấp thụ canxi từ cơ thể mẹ. Không đủ canxi trong máu người mẹ khiến cho khoáng chất thoát ra từ xương và răng. Điều này làm răng yếu hơn, dễ bị sâu và dẫn đến hôi miệng.

Mất nước

Nên uống nhiều nước hơn trong suốt thai kỳ để bù lại lượng nước đã mất do nôn nghén hoặc đi tiểu quá nhiều. Uống ít có thể gây mất nước và khô miệng, có thể gây ra mùi hôi. Uống nước đầy đủ có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn bám trong răng.

Xem thêm: Phụ nữ mang thai có tẩy trắng răng được không?

Thay đổi lối sống

Mang thai gây ra những cơn đói cồn cào ở các mẹ bầu. Thường xuyên ăn vặt và ăn đêm có thể gây ra hôi miệng. Hơn nữa, do cảm giác thèm ăn khi mang thai, một số mẹ bầu thường ăn nhiều đồ có đường và đồ ăn vặt.

Tiêu hóa chậm

Quá trình tiêu hóa thường bị ảnh hưởng trong thai kỳ do sự nở rộng của tử cung và thay đổi nội tiết tố và dẫn tới sự trào ngược acid. Điều này có thể gây ra quá trình hủy khoáng của men răng, hình thành các vết nứt trên răng, tạo cơ hội cho thức ăn bám lại và có thể dẫn đến hôi miệng.

Giảm lưu lượng nước bọt

Nước bọt có tác dụng làm sạch răng. Nó quét sạch thức ăn còn sót lại ở các rãnh trên bề mặt răng và giữ cho trong miệng sạch sẽ. Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng lưu lượng nước bọt giảm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ hôi miệng.

Thức ăn

Thực phẩm chứa các thành phần có mùi nồng như hành, tỏi, cà phê,… cũng có thể tạo ra mùi hôi miệng.

Tình trạng sức khoẻ

Các nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai – mũi – họng, đái tháo đường, các bệnh lý về gan, đường tiêu hóa, nội tiết và chuyển hóa là một vài nguyên nhân khác khiến gây ra tình trạng hôi miệng. Các triệu chứng thường giống nhau ở phụ nữ có thai và không có thai.

Tình trạng sức khoẻ của thai phụ cũng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng trong thai kỳ

Triệu chứng của hôi miệng trong thai kỳ

Đôi khi, bạn không nhận thấy mình bị hôi miệng cho tới khi bạn bè và người thân nói cho bạn. Tuy vậy, bạn có thể nhận thấy tới một hoặc một vài triệu chứng sau đây đi kèm với hôi miệng:

  • Nướu đỏ, sưng và chảy máu.
  • Khô miệng hoặc giảm tiết nước bọt.
  • Lưỡi đóng bợn trắng.
  • Đắng miệng hoặc vị kim loại khó chịu trong miệng.

Cách trị hôi miệng cho bà bầu hiệu quả

Xử trí hôi miệng không phải lúc nào cũng cần tới can thiệp y tế. Một số biện pháp tự làm ở nhà có thể giúp khắc phục hôi miệng.

  • Đánh răng 2 lần một ngày, vì đây là bước đầu tiên để bảo vệ răng miệng hiệu quả.
  • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày để không cho những mảng thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng.
  • Làm sạch lưỡi vì đó là nơi vi khuẩn trú ngụ, gây ra hôi miệng.
  • Dùng nước muối ấm hoặc nước súc miệng không chứa cồn sau khi ăn.
  • Không ăn các thức ăn chứa gia vị nồng hoặc đánh răng ngay sau khi ăn chúng.

Nên vệ sinh răng miệng sau khi ăn thức ăn có gia vị nồng

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ vì chúng có tác dụng làm sạch những mảng bám mềm trên răng. Đồng thời, thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp cải thiện tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước làm bớt khô miệng và ngăn ngừa hôi miệng.
  • Bạn cũng có thể ăn kẹo cao su không đường, nó giúp làm giảm bớt mùi hôi và tăng tiết nước bọt.
  • Bổ sung Canxi giúp duy trì lượng canxi trong máu một cách tối ưu. Phải có ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Kiểm tra răng miệng thường xuyên tại phòng khám nha khoa, được khuyến cáo là 6 tháng một lần.

Bạn đã từng bị hôi miệng khi có thai chưa? Bạn đối mặt với nó như thế nào? Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm của bạn với Nha khoa Nhân Tâm ngay nhé!